Nhà nước và báo chí cần có mối quan hệ sòng phẳng để giải phóng nguồn lực truyền thông chính sách hiệu quả
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/11/2023 | 10:27:44 AM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng, tiên quyết, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, bùng nổ thông tin diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Việc sử dụng nguồn lực thế nào cho hiệu quả đang là vấn đề cấp bách cần được quan tâm.
Vấn đề sử dụng nguồn lực cho truyền thông chính sách, bao gồm nguồn nhân lực và vật lực, hết sức quan trọng, có thể xem là “chìa khóa” để hóa giải những tồn tại, hạn chế, cũng như những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong vấn đề này.
|
Việc sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả là một thách thức hiện hữu
Tại Việt Nam, thời gian qua, bước đầu, truyền thông chính sách (TTCS) đã được thực hiện một cách hiệu quả, bài bản, như phát huy vai trò của công cụ báo chí, truyền hình; đẩy mạnh chuyển đổi số, thiết lập các fanpage, tài khoản mạng xã hội, cổng/trang thông tin điện tử là các kênh phát ngôn chính thống, thu hút nhiều lượt tương tác và dễ dàng lan tỏa thông tin đến công chúng.
Tuy vậy, truyền thông chính sách thời gian qua cũng vẫn còn một số vấn đề cần bàn luận sâu hơn. Thực tế cho thấy, ở cả Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, có rất nhiều chính sách thiết thực, phù hợp nhưng do truyền thông chính sách chưa thực hiện tốt, tạo ra những khủng hoảng về mặt truyền thông, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm, Việt Nam không thiếu nguồn lực cho rất nhiều công việc trong đó có TTCS, tuy nhiên việc sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả là một thách thức hiện hữu. "Nguồn lực có nhưng đang dùng một cách phân tán. Chúng ta đầu tư rất nhiều, song hiệu quả thu lại chưa đo đếm, đánh giá được", Thứ trưởng Thanh Lâm nhận định.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đơn cử trong nhiều chương trình liên quan đến TTCS, thực trạng cho thấy nhiều địa phương, bộ ngành, cơ quan đầu tư rất nhiều cho phần lễ, chi rất nhiều cho các hoạt động nhỏ như các tiết mục văn nghệ, đầu tư sân khấu - tất cả điều đó đều là nguồn lực.
Theo Thứ trưởng Lâm, việc với ngần đó nguồn lực bao gồm cả thời gian, công sức được bỏ ra có thực sự mang đến hiệu quả TTCS như mong muốn hay không thì chưa thể đong đếm được. Vấn đề rất cần được xem xét là nguồn lực bỏ ra phải mang lại hiệu quả chứ không phải vấn đề nguồn lực ở đâu.
"Hiện nay việc đánh giá hiệu quả là yêu cầu cấp thiết trong toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác chỉ đạo điều hành với hiệu quả phát triển kinh tế xã hội. Song, chúng ta chưa có bộ công cụ và phương pháp đánh giá hiệu quả nào rõ ràng, minh bạch. Nhiều nỗ lực không mang lại kết quả như mong muốn thậm chí phản tác dụng, có khi TTCS lại bị hiểu nhầm là truyền thông cho chính khách, làm hình ảnh cho một ai đó, bao nhiêu nỗ lực lại xoay sự chú ý của xã hội sang một việc khác. Điều này dẫn đến, bản thân những người làm chính sách cũng vì thế rất ngần ngại vì nhỡ đâu lại bị hiểu sang một ý khác", Thứ trưởng Lâm nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, nguồn lực của TTCS phải là nguồn lực của Nhà nước từ ý chí cho đến tinh thần, vật chất và phải hướng đến mô hình - ý chí của Nhà nước, nguồn lực của Nhà nước nhưng vận hành theo cơ chế thị trường, đúng quy luật của truyền thông, như thị trường truyền thông, thị trường quảng cáo đòi hỏi. Nói rõ hơn, Nhà nước có khung pháp lý nhưng được thực hiện theo quy luật của thị trường. Một mô hình sẽ mang đến hiệu quả cao đó là Nhà nước và xã hội cùng làm.
Ông Lâm cho biết, tại Việt Nam, đang có xu hướng đẩy nhanh thông điệp về chính sách lên không gian truyền thông, báo chí - xu hướng này gọi là TTCS đúng nhưng chưa đủ. Trong bối cảnh việc làm chính sách từ hoạch định, đánh giá tác động xã hội đến ra quyết định phải dựa trên dữ liệu, dữ liệu về tâm tư tình cảm của người dân trước những vấn đề xã hội nói chung hoặc trước một vấn đề cụ thể mà chính sách phải giải quyết nói riêng - chính sách đó để ban hành được đòi hỏi phải có sự điều tra, rà quét, tính toán, đánh giá.
"Tức là phần dữ liệu - phần chìm của tảng băng - để có thể giúp tạo cơ chế ra quyết định thì hiện nay chưa có một nguồn lực vật chất nào để làm việc đó. Rất nhiều chính sách không chờ được đến ngày nó sinh ra vì từ lúc thai nghén nó, hoạch định nó, phát ngôn về nó đã tạo nên khủng hoảng truyền thông - phá sản ngay từ trong trứng nước.
Vậy nên nguồn lực phải được tập trung vào khâu đo, đếm, đánh giá chứ không nên quá vội vàng đẩy thông điệp, đẩy mong muốn của nhà nước lên không gian truyền thông. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa kỳ vọng và chính sách, kỳ vọng là muốn xây dựng một xã hội công bằng, văn minh nhưng chính sách để đi đến đó rất khó khăn, vất vả và đòi hỏi một quy trình cụ thể, mới mẻ và chuyên nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định.
Xây dựng mối quan hệ win-win
Thời gian qua, việc báo chí thực hiện truyền thông chính sách trong suốt quá trình hình thành và phát triển là hết sức rõ ràng, và đã góp phần quan trọng cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo công chúng, giúp người dân nắm bắt một cách kịp thời, đúng đắn các chính sách của Nhà nước, từ đó vận dụng vào trong thực tiễn công việc, nghề nghiệp của mình. Thông qua đó, góp phần tích cực quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn nhận về vấn đề báo chí trong công tác TTCS, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, khó khăn về kinh tế đang là thực trạng chung của các cơ quan báo chí ở Việt Nam, tuy nhiên không phải vì thế mà các cơ quan báo chí phải tìm nguồn tiền mới từ nhà nước.
Báo chí của Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, vấn đề là phải giải phóng được nguồn lực để báo chí phát huy được đúng vai trò, vị trí của mình. Một đội ngũ có một sứ mệnh quan trọng, nhưng thiếu nguồn lực, hoặc không hiểu chính sách có thể gây hại đến vấn đề ban hành chính sách.
"Không nên nhầm lẫn giữa việc phản biện chính sách với việc tuyên truyền tạo sự nghị ngờ, tạo một tâm lý không đồng thuận, bất an trong xã hội. Hiện nay một bộ phận báo chí thay vì phản biện để tìm giải pháp thì làm cho vấn đề phức tạp hơn, làm cho các cơ quan chức năng rất ngại trong việc bàn bạc trên không gian báo chí để giải quyết vấn đề đó, khiến họ co lai và tìm cách đối phó với truyền thông thay vì coi truyền thông như một người đồng hành", ông Lâm nêu thực trạng.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, cần xác định lại vị thế của báo chí tuy nhiên, trách nhiệm của nhà nước là không thể không tính đến- trong vai trò là khách hàng của báo chí. Nhà nước không phải chủ thể đứng trên báo chí, cần có sự bình đẳng giữa nhà nước và báo chí trong công tác TTCS. Khi Nhà nước muốn đưa ra xã hội một thông điệp, một chính sách, cần đến truyền thông trong đó có báo chí thì quan hệ đó là quan hệ sòng phẳng. Nhà nước thực hiện cơ chế "bơm tiền” để quảng cáo chính phủ.
Nhắc đến thực trạng còn không ít bất cập liên quan đến việc dành nguồn lực cho truyền thông chính sách, nhà báo Nguyễn Tri Thức - Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản cho rằng, gần như vấn đề này được coi là việc các cơ quan báo chí có chức năng, nhiệm vụ bắt buộc phải làm.
Điều này là có cơ sở, bởi báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách là đương nhiên, báo chí chuyển tải thông tin về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách là việc hiển nhiên, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhu cầu của công chúng.
"Tuy nhiên, việc truyền thông chính sách như vậy chưa giúp các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính, chủ động trong việc truyền thông chính sách, chưa thể tập trung nhân lực, vật lực cho công tác truyền thông chính sách, nhất là những chính sách báo chí không có "nghĩa vụ” phải truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Thậm chí, có thể nảy sinh tình trạng có nhà báo, cơ quan báo chí trong quá trình truyền thông chính sách sẽ tiến hành kiểu đối phó, cho xong, hoặc chú ý "khoét sâu”, tập trung xoáy vào những bất cập, hạn chế, gây những trở ngại trong quá trình ban hành, thực thi chính sách", nhà báo Nguyễn Tri Thức cho biết.
Theo nhà báo Nguyễn Tri Thức, thực tế, việc truyền thông chính sách ở tất cả các khâu từ hoạch định, ban hành đến thực thi, trên thực tế, thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Truyền thông chính sách là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí để mọi chính sách phải đến được với người dân một cách nhanh nhất, ở tất cả các giai đoạn, giúp người dân biết, hiểu, tin, nghe theo và thực hiện. Thế nhưng, không ít bộ, ngành, địa phương lại "làm ngơ”, không có chính sách gì đối với các cơ quan báo chí, coi đó là nhiệm vụ của báo chí.
"Nguồn lực cho vấn đề truyền thông chính sách đã được quy định rõ ràng. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ vào ngân sách chi thường xuyên để bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách; đồng thời tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách. Khi mà TTCS đạt được hiệu quả, bảo đảm được việc thực thi tốt, đi vào cuộc sống - thì việc dành nguồn lực cho TTCS còn tiết kiệm hơn rất nhiều khi dành nguồn lực cho các sự cố như xử lý khủng hoảng hay các điều luật, nghị định mới ban hành đã phải thu hồi thậm chí phải sửa đổi rất nhiều", nhà báo Nguyễn Tri Thức đánh giá.
Mở rộng hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay, khi Nhà nước bỏ tiền làm TTCS cần có cơ chế để đánh giá hiệu quả tuyền thông từ đó điều tiết việc đặt hàng để mang lại hiệu quả mong muốn. Đối với cơ quan báo chí hiện nay có một thách thức - để ra được giá đặt hàng cho cơ quan báo chí là vô cùng phức tạp, tuân theo hàng loạt quy định có liên quan, trong khi đó, hệ thống pháp luật đang có xu hướng ngày càng chặt chẽ để đảm bảo không có sai sót. Việc này cũng dẫn đến vấn đề, khi có một việc rất nhỏ thôi cũng rất khó tháo gỡ, chế độ trách nhiệm của cán bộ hiện nay khiến mọi người cẩn trọng hơn rất nhiều trước khi ra quyết định.
"Bộ TT&TT, Bộ Tài chính từ nay đến giữa năm sau sẽ thay đổi một số thể chế. Việc thẩm định lại giá để đặt hàng cơ quan báo chí phải đơn giản hơn, phải tinh gọn hơn, giá phải bám sát thị trường hơn kèm theo đó phải có cơ chế đánh giá hiệu quả công tác đặt hàng. Để việc đặt hàng hay không đặt hàng không phải nghĩa vụ chính trị của bên này hay bên kia mà thực sự là sự bắt tay của những đối tác có đủ khả năng cung cấp dịch vụ và đủ khả năng yêu cầu dịch vụ", Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.