Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp để giám sát, quản lý hội viên
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/11/2023 | 2:48:46 PM
Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT và Hội Nhà báo trong xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả sẽ là nền tảng, điểm tựa vững chắc cho việc ngăn chặn, giảm thiểu các vụ việc vi phạm, củng cố, nhân lên niềm tin đối với những NLB...
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Thanh Lâm
|
Cần sớm có biện pháp ngăn chặn…
Ông Vũ Xuân Chường – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ cho rằng, trong bối cảnh mặt trái của cơ chế thị trường, một số nhà báo thiếu ý thức tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp vi phạm đạo đức cao quý của người làm báo, thiếu tự trọng, thậm chí không vượt khỏi những cám dỗ của đồng tiền, vi phạm pháp luật. Đây là thực trạng nhức nhối cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Trong đó, công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các địa phương có vai trò quan trọng mang ý nghĩa quyết định. Ông Xuân Chường phân tích: Các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thời gian gần đây tập trung vào: Vi phạm bản quyền tác giả; đạo tin, đạo báo; sa vào thương mại hóa báo chí, lợi dụng nghề nghiệp, dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi, nhận hối lộ... Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí hiện nay, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo. Thiếu kiến thức cơ bản về báo chí và không nhận thức đúng vai trò, chức năng của báo chí với xã hội. Thậm chí có một bộ phận nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu, ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức nhà báo. Bên cạnh đó, có thể nhìn nhận những tiêu cực của một số nhà báo qua các vụ án gần đây cũng xuất phát từ nguyên nhân buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí, thể hiện ở việc thiếu sự quan tâm giáo dục bồi dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan báo chí, của cấp ủy, chi hội nhà báo.
Không ít cơ quan báo chí, chi bộ hoạt động mang tính hình thức, ít quan tâm nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật và quy định đạo đức người làm báo; Chi hội nhà báo hoạt động chiếu lệ… Cùng với đó cũng có nguyên nhân do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo còn thấp, không đủ sống, áp lực chạy quảng cáo, tài trợ... đã đẩy một số nhà báo dấn sâu vào con đường tiêu cực…
"Để ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo một cách kịp thời hiệu quả, cần đến sự phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các địa phương. Thời gian qua, nhìn chung, tại các địa phương, công tác phối hợp giữa ba cơ quan tương đối chặt chẽ, hiệu quả, thể hiện rõ qua các vụ việc vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đều được xử lý nghiêm, tạo sức răn đe, giáo dục và lan tỏa hiệu ứng mạnh mẽ tới toàn xã hội. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nhiều thời điểm, công tác phối hợp này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu sự ràng buộc, liên kết, vẫn còn tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy hoặc chồng lấn, "dẫm chân” lên chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác… Thực tế này dẫn đến hệ lụy việc xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo nhiều lúc, nhiều nơi chưa kịp thời hiệu quả. Nhiều sai phạm kéo dài gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận…” – Ông Vũ Xuân Chường khẳng định.
Cùng quan điểm đó, ông Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. Hà Nội chia sẻ rất thẳng thắn về nội dung này với kinh nghiệm phối hợp xử lý vi phạm trên địa bàn Hà Nội. Ông cho biết: "Ở Hà Nội, từ nhiều năm qua việc phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo có sự liên kết chặt chẽ trong mọi mặt, từ công tác định hướng tuyên truyền, công tác tham mưu về chế độ, chính sách đối với người làm báo đến công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo và quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo”.
Thực tế, đối với Hội Nhà báo Hà Nội, việc tham gia phối hợp cùng với ban Tuyên giáo, Sở Thông tin - Truyền thông trong các chương trình, hoạt động của Thành phố có nhiều thuận lợi, vì đây là 02 cơ quan định hướng tư tưởng và quản lý nhà nước về công tác báo chí. Hơn nữa, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Sở Thông tin - Truyền thông tham gia vào Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ (đến nay là khóa VII nhiệm kỳ 2020-2025).
Bên cạnh đó, Chi hội Văn phòng có nhiều hội viên là cán bộ, lãnh đạo 3 phòng: phòng Báo chí- xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy), phòng Báo chí - Xuất bản - Truyền thông (Sở Thông tin - Truyền thông) và Văn phòng Hội Nhà báo. Đây cũng là điều kiện tốt để Văn phòng Hội và các phòng Ban của Ban Tuyên giáo và Sở Thông tin - Truyền thông có sự trao đổi, liên kết thường xuyên và thực hiện công việc hiệu quả trong hoạt động báo chí của Thành phố.
Đặc biệt các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam như: Hội báo Toàn quốc, Giải Cúp bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Thi tiếng hát người làm báo Việt Nam… diễn ra trên địa bàn Thủ đô, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đều có văn bản giao cho 03 cơ quan Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo phối hợp thực hiện và chúng tôi đã phối hợp thực hiện rất tốt các hoạt động này trong nhiều năm qua.
Nỗ lực thắt chặt mối quan hệ phối hợp, giám sát, xử lý
Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, việc tham gia của các nhà báo trên các nền tảng truyền thông như facebook, tiktok, instagram… đã mang đến nhiều cơ hội cho tòa soạn và người làm báo. Tuy nhiên cũng rất nhiều thách thức đặt ra đối với trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội và phát ngôn trên mạng.
Trước những thách thức từ mạng xã hội đối với đạo đức của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp Hội xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng và mạng xã hội nói chung.
Tuy nhiên trên thực tế, theo nhà báo Kiều Thanh Hùng, mặc dù thời gian qua, Hội Nhà báo TP. Hà Nội đã rất sát sao vấn đề "phát ngôn trên mạng xã hội”, vấn đề thực hiện các quy định pháp luật của hội viên, nhà báo nhưng vẫn xảy ra vi phạm đáng tiếc. Năm 2023, Hội Nhà báo Thành phố có trường hợp hội viên vi phạm pháp luật, Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức người làm báo Việt Nam đã có quyết định khai trừ một hội viên theo quy định của Điều lệ.
Đây thực sự là điều đáng tiếc đối với Hội Nhà báo Hà Nội, vì trong nhiều năm qua, những người làm báo ở Thủ đô luôn tuân thủ nguyên tắc của Điều lệ, giữ gìn sự chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, truyền thống văn hóa của người làm báo thủ đô.
"Chúng tôi nhận thức rằng, đây là một sự việc "đáng buồn” của Liên Chi hội nhà báo cơ quan báo chí đó, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh đối với anh chị em hội viên các cơ quan báo chí Hà Nội. Qua đây, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội và các Liên- Chi hội nhà báo cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đẩy mạnh công công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhìn thẳng vào sự thật và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc để không còn hội viên nào vi phạm” – Ông Kiều Thanh Hùng chia sẻ.
Cũng đặt ra việc cần thiết phải làm nghiêm khắc khi hội viên vi phạm quy định, ông Vũ Xuân Chường cho rằng, vấn đề mấu chốt của công tác phối hợp là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, đối với các cơ quan báo chí, cán bộ, phóng viên, hội viên.
Nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo, định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo qua các cuộc họp giao ban báo chí hằng tháng. Kịp thời có văn bản chỉ đạo, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm đối với các cơ quan báo, tạp chí và các cá nhân có sai phạm. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan báo chí, đứng đầu cấp ủy và chi hội nhà báo. Theo đó, từng cơ quan báo chí cần xây dựng các quy chế, quy định của tòa soạn.
Trong đó, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, gồm Tổng Biên tập, Bí thư, cấp ủy, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp ủy, trước cơ quan chủ quản nếu để tập thể hay cá nhân vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí. Quy định rõ cơ chế giám sát các hoạt động nghề nghiệp, tác nghiệp báo chí, nhất là khâu bản quyền tác giả và điều tra theo thư bạn đọc. Đồng thời có cơ chế khen thưởng, biểu dương những gương nhà báo tiêu biểu và xử lý nghiêm khắc các nhà báo tiêu cực như đạo tin, đạo báo, nhũng nhiễu doanh nghiệp…
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.