Người phóng viên chiến trường “chép sử bằng máu trong lửa đạn”…

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/11/2023 | 1:23:50 PM

Khi đọc cuốn Hồi ký “Phóng viên chiến trường” của nhà báo Trần Mai Hưởng – Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, chúng tôi mới thấm thía được hết câu nói ấy.

Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. Ảnh: Lâm Hồng Long (TTXVN).
Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. Ảnh: Lâm Hồng Long (TTXVN).

Với thế hệ các ông, người phóng viên sẵn sàng chấp nhận mình giống như một người lính, ra trận như một lẽ tất nhiên, ai cũng có thể ngã xuống bất cứ lúc nào… Cuốn Hồi ký ấy không chỉ như một thước phim đặc sắc về một thế hệ cầm bút – cầm súng mà còn lan tỏa được bản lĩnh, lý tưởng ấy cho thế hệ hôm nay soi chiếu, coi đó là bài học vô giá về bản lĩnh làm nghề giữa thách thức, giữa bộn bề của nghiệp viết hôm nay.

Tôi từng có dịp phỏng vấn nhà báo Trần Mai Hưởng khi ông còn là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và cho đến hôm nay khi cầm đọc cuốn sách này tôi vẫn còn nhớ tới câu nói của ông ngày ấy: "Với thế hệ chúng tôi, ra trận là một lẽ tất nhiên…”.

Trên thực tế, trải qua 4 cuộc chiến tranh của thế kỷ XX, cả nước ta có hơn 500 nhà báo liệt sĩ. Họ là những người đã ngã xuống trên các chiến trường khác nhau, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, giành hòa bình, tự do cho dân tộc. Qua nhiều lần xác nhận, đối chiếu, số nhà báo liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được xác nhận là 262 người. Nhà báo Trần Mai Hưởng là một trong số những người còn sống trở về để kể lại những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy.

Ông tâm sự: "Nghề làm báo, làm Thông tấn, đặc biệt là Phóng viên Chiến trường, là một thử thách rất khắc nghiệt. Trong chiến tranh, để có mặt kịp thời, chứng kiến những sự kiện, người phóng viên thực sự là những chiến sĩ. Những nguy hiểm, hy sinh cận kề trong gang tấc. Đằng sau mỗi dòng tin, bức ảnh là tinh thần vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Có mặt kịp thời đã khó, tác nghiệp và đưa những sản phẩm về cơ quan, tòa soạn nhiều khi cũng đòi hỏi những hy sinh, cố gắng rất lớn lao. Người phóng viên không chỉ đối mặt với kẻ thù, đạn bom mà còn phải vượt lên cả những suy tư, lo lắng của mỗi cá nhân trong lằn ranh sống chết để hoàn thành sứ mệnh của "những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn”.

Nhà báo Trần Mai Hưởng đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng, đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của ông đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá…Và năm tháng ấy như một hồi ức đặc biệt, một quãng đời không thể nào quên, lắng đọng lại trong những vần thơ ông từng viết: "Tóc râu giờ bạc trắng rồi/ Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh/Mấy lần thần chết gọi anh/Còn duyên còn nợ chưa đành ra đi…

nguoi phong vien chien truong chep su bang mau trong lua dan hinh 1

Trong cuốn Hồi ký của mình, nhà báo Trần Mai Hưởng đã hồi tưởng lại rất nhiều những câu chuyện của ông, của đồng nghiệp, đồng chí, của một thời lửa đạn mà ông được chứng kiến, kinh qua. Kỹ năng kể chuyện lôi cuốn của một nhà báo kì cựu đã khiến người đọc dường như bị cuốn vào không dứt ra được…

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét: "Hồi ký – Tự truyện là một thể loại khó, và dường như chỉ dành cho những cuộc đời giàu có trải nghiệm. Nhà báo Trần Mai Hưởng có cuộc đời như thế. Từ khi còn là một nhà báo rất trẻ của Thông tấn xã Việt Nam, ông đã có mặt rất sớm trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Ông đã trải qua "Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 ở Quảng Trị; là một trong những nhà báo đầu tiên vào Huế khi Cố đô vừa giải phóng; có mặt ở Đà Nẵng khi thành phố lớn thứ hai của miền Nam vừa giải phóng; có mặt ở Dinh Độc Lập ngay trong ngày 30/4/1975 lịch sử; có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979, khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào đây, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot; có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược…”.

Đọc cuốn hồi ký này để thấy rằng, khói lửa chiến tranh đã hun đúc, rèn luyện nên bản lĩnh, tinh thần kiên định, vượt qua mọi thách thức khó khăn của người làm báo. Bằng công việc của mình, qua những bài báo, bức ảnh, những cuốn phim - với tư cách là những nhân chứng tin cậy - người phóng viên góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, người dân trong sự nghiệp chung. Và với nhà báo Trần Mai Hưởng thì "Đấy là một vinh dự nghề nghiệp đáng tự hào!”.

Ông còn bảo rằng, chính công việc là một phóng viên Thông tấn đã cho ông những cơ hội nghề nghiệp, được chứng kiến những sự kiện, những đổi thay của cuộc sống, góp phần nhỏ bé của mình vào công việc chung. Chính trong biển cả mênh mông vô tận của cuộc sống, ông được rèn luyện và trưởng thành.

Và chia sẻ đôi điều về cuốn Hồi ký này, nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết: "Tôi viết lại những dòng hồi ức này khi đã ở tuổi ngoài 70. Cuộc đời hiện lên như một cuốn phim quay chậm qua những tháng năm, với nhiều sự kiện, nhiều gương mặt và hoàn cảnh đã sống. Đã 65 năm kể từ khi tôi rời ghế nhà trường phổ thông vào học lớp phóng viên TTXVN khóa 8. Tôi đã dành trọn cuộc đời mình để theo nghề báo. Công việc đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, được trải qua nhiều thử thách trong chiến tranh và hòa bình, được chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử đất nước. Đối với tôi, đấy thực sự là một may mắn lớn”.

Cuốn "Hồi ký Phóng viên chiến trường” dài gần 190.000 từ, dày 468 trang khổ 16x24, gồm 11 phần, là hành trình của cả một đời người đã đi qua chiến tranh và hòa bình… thực sự giá trị.

Như khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: "Trong cuộc đời mình, nhà báo Trần Mai Hưởng đã đi khắp giang sơn, từ Lũng Cú – cực Bắc tới Apachải - cực Tây Tổ quốc. Ông đến biển Nam, biển Tây, đến nơi sông Đà chảy vào đất Việt, đến nơi sông Mã vòng trở lại đất Việt… Ông đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, đi từ bờ Đại Tây Dương sang bờ Thái Bình Dương. Ông đã đi nhiều nước, nhiều châu lục trên thế giới. Nhưng cuốn sách này không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu; có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. Với văn phong tưởng như chất phác mà rất giàu chất thơ, cuốn Hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo chúng ta nói riêng”.

Có thể nói rằng, đó không chỉ là "hồi ký” mang cái tôi của người trong cuộc mà còn như dành cho "chúng ta” - với một nguồn năng lượng đặc biệt lan toả. Đó không chỉ là câu chuyện của người "phóng viên chiến trường” Trần Mai Hưởng với cảm xúc riêng: "Là những người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay”… mà dường như đã nói hộ cho những người làm báo, thế hệ được hưởng hòa bình. Bởi "sống sao cho xứng đáng” với cha ông, làm nghề, cống hiến với nghề như thế nào để không hổ thẹn với những máu xương đã đổ năm xưa…?

Cuốn Hồi ký "Phóng viên chiến trường” cũng mang lại một bài học lớn đó là bài học về bản lĩnh làm nghề, về sự dấn thân và cống hiến… với nghề, với Tổ quốc. Giá trị nghề nghiệp trong thời chiến hay thời bình sẽ được nhân lên, được tròn đầy thực sự với những người làm báo chân chính, như hai chữ "Hạnh phúc” của nhà báo Trần Mai Hưởng: "Tôi hạnh phúc vì đã sống một cuộc đời như vậy và nếu có thể chọn lựa lại, tôi vẫn xin làm một người làm báo để ca ngợi những điều tốt đẹp của con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình”.


Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi. Ảnh: ĐCS

Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.

Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục