894 tác phẩm vào vòng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai
- Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2024 | 5:34:09 PM
Ngày 15/7, tại Hà Nội, Ban tổ chức (BTC) Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai đã khai mạc vòng chấm sơ khảo.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì khai mạc Vòng chấm Sơ khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai.
|
Tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Anh Vũ, Tổng biên tập Báo Văn hóa, Phó trưởng Ban tổ chức Giải đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng Sơ khảo gồm 5 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh.
Giải được tổ chức để lựa chọn, trao giải cho các tác giả hoặc nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về đề tài văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Các cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm tham dự xuất sắc đoạt giải cũng sẽ được trao giải thưởng.
Thông qua Giải báo chí, ban tổ chức mong muốn thông tin, giới thiệu những kết quả, thành tựu của công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch tới toàn thể xã hội.
Đồng thời, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, cổ vũ, động viên cán bộ trong toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo báo cáo công tác thu nhận tác phẩm và chấm sơ khảo Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai, do nhà báo Phan Thanh Nam, Phó Tổng biên tập Báo Văn hóa trình bày, kể từ ngày phát động, Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.
Đến hết ngày gửi tác phẩm dự thi (20/6/2024 tính theo dấu bưu điện), Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp nhận được tổng số 920 tác phẩm dự giải. "Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch”, ông Phan Thanh Nam chia sẻ và cho biết, Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp đã tiến hành rà soát, sàng lọc và loại 26 tác phẩm vi phạm Thể lệ giải.
Ngày 11/7/2024, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ký Quyết định số 1910/QĐ-BTCGBC thành lập Hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai gồm 5 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh để chấm 894 tác phẩm hợp lệ, trong đó: loại hình báo in có 258 tác phẩm; loại hình báo điện tử có 235 tác phẩm; loại hình phát thanh có 92 tác phẩm; loại hình truyền hình có 222 tác phẩm; loại hình báo ảnh có 87 tác phẩm.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi ký ban hành Quy chế chấm giải. Theo đó, dự kiến thời gian chấm sơ khảo hoàn thành trước ngày 24/7/2024. Cơ cấu số lượng tác phẩm lựa chọn vào vòng Chung khảo theo loại hình: báo in chọn 25 tác phẩm; báo điện tử chọn 25 tác phẩm; phát thanh chọn 22 tác phẩm; truyền hình chọn 25 tác phẩm; ảnh báo chí chọn 20 tác phẩm.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban Tổ chức Giải cho biết, Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ nhất không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí tham gia. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022 - 2023 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Nhiều bài báo công phu, khai thác những chủ đề, vấn đề gai góc, thời sự nóng bỏng…
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, trong công tác tổ chức Giải lần thứ nhất, số lượng tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương chưa nhiều, có nhiều lĩnh vực số lượng tác phẩm đông đảo nhưng lĩnh vực gia đình số tác phẩm còn ít… Tuy nhiên, năm nay, Ban tổ chức Giải đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam có những giải pháp nên tổng hợp bước đầu cho thấy những bất cập của mùa Giải thứ nhất đã được khắc phục.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, với 894 tác phẩm báo chí vào vòng sơ khảo, nhiệm vụ của Hội đồng sơ khảo Giải sẽ rất vất vả và nặng nề. Bởi, có những loại hình tác phẩm như truyền hình năm nay số lượng nhiều đột biến với 222 tác phẩm.
"Mỗi tác phẩm ở tất cả các thể loại đều cần phải được đọc, nghe, xem kỹ càng, do đó, mỗi Tiểu ban cần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học để đưa ra cho Hội đồng chung khảo những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất. Với phương châm không bỏ sót tác phẩm xuất sắc nào, Báo cáo của Hội đồng sơ khảo vô cùng quan trọng, là căn cứ cho Hội đồng chung khảo xem xét”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Lễ trao giải dự kiến được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 79 năm thành lập ngành văn hóa, thể thao, du lịch (28/8/1945 - 28/8/2024).
Ngày 22/5/2024, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai đã ký Quyết định số 1375/QĐ-BTCGBC ban hành Thể lệ Giải.
Giải được tổ chức để lựa chọn, trao giải cho các tác giả hoặc nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về đề tài văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Các cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm tham dự xuất sắc đoạt giải cũng sẽ được trao giải thưởng...
Tác phẩm tham dự giải được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 15/6/2024.
Giải được trao cho các tác phẩm xuất sắc với cơ cấu, số lượng giải như sau: Giải tập thể có 3 giải Đồng hạng cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao. Giải cá nhân có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho mỗi loại hình báo chí.
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.