Các công ty AI 'ăn cắp' nội dung báo chí sẽ làm suy yếu nguồn lực và phá hoại các mô hình kinh doanh của ngành báo chí
- Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2024 | 3:48:02 PM
Các chuyên gia truyền thông đã có nhiều cảnh báo rằng, nếu các công ty công nghệ phát triển các ứng dụng AI còn tiếp tục được phép "ăn cắp" nội dung và cả doanh thu quảng cáo từ báo chí, giống như những gì đã xảy ra với các công cụ tìm kiếm dữ liệu và mạng xã hội, thì các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục giảm nguồn thu có thể kiếm được từ việc đăng ký người dùng, quảng cáo, bán bản quyền, từ đó không chỉ làm suy yếu nguồn lực và sự vận hành của các cơ quan báo chí mà còn phá hoại các mô hình kinh doanh cơ bản của toàn ngành báo chí.
Các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau, xây dựng các liên minh báo chí để đủ sức thương thuyết với các công ty công nghệ.
|
Lấy dữ liệu từ báo chí mà không cần trả một đồng nào cho phí bản quyền
AI đã và đang thâm nhập sâu vào các tòa soạn báo lớn trên thế giới, thậm chí đang thay thế công việc của nhiều nhà báo "bằng da bằng thịt".
Trong gần hai thập kỷ qua, khi các công ty công nghệ như Apple, Amazon, Google, Meta và Microsoft vươn lên trở thành những công ty có giá trị nhất thế giới, thì cùng lúc đó, rất nhiều cơ quan báo chí phải đóng cửa và nhiều nhà báo bị sa thải.
Điển hình như tờ Bild – tờ báo lá cải bán chạy gần như đứng đầu châu Âu, hồi tháng 7/2023, đã thông báo sẽ sa thải hơn 100 nhân viên và chuyển công việc của họ cho máy móc đảm nhiệm.
Ở Mỹ, trong khi một số tờ báo hàng đầu của Mỹ có lượt truy cập tăng mạnh trong vòng 1 năm qua nhờ ứng dụng công nghệ, thì ngành báo chí Mỹ đã phải cắt giảm hàng vạn việc làm và trung bình mỗi tuần có 2,5 tờ báo đóng cửa chỉ tính riêng trong năm 2023.
Nhận định về thực trạng này, nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM cho biết, AI thực chất chỉ làm cho vị trí việc làm phải thuê người ở các cơ quan báo chí giảm đi, tức AI là thách thức với người lao động trong ngành báo chí chứ không phải là kẻ đối đầu với các cơ quan báo chí.
"Vậy ai mới là đối thủ thật sự của các cơ quan báo chí? Đó chính là các công ty công nghệ", nhà báo Nguyễn Đức Hiển nhận định.
Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM dẫn chứng, hãy thử hình dung: Cơ quan báo chí chi tiền cho nhân lực, công nghệ để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí hấp dẫn. Sau đó, những sản phẩm ấy đến khán giả chủ yếu thông qua Google, Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác. Việc tìm kiếm ấy phần lớn mang về doanh thu quảng cáo về cho các công ty công nghệ và chỉ để lại một phần không đáng kể cho các cơ quan báo chí.
Đáng lo ngại hơn, sự ra đời của các công nghệ tìm kiếm như Chat GPT, hay các ứng dụng chạy bằng AI tương tự do các công ty công nghệ sở hữu còn tạo ra xu hướng tìm kiếm zero-click searches - không nhấp chuột, khi thông tin được hiển thị ngay lập tức mà không dẫn người dùng đến trang tin tức thực sự. Điều đó có nghĩa là bài báo không được trả view dù đã được khán giả trải nghiệm.
Xu hướng này đã tăng đều đặn kể từ năm 2019. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy một nửa số lượt tìm kiếm bằng AI tạo sinh của Google (tức là lấy dữ liệu từ Google) là tìm kiếm không nhấp chuột, và chỉ có một phần rất nhỏ người dùng Facebook nhấp vào nội dung trong bản tin của họ.
"Điều đáng lo ngại ở đây chính là các công ty công nghệ dùng AI để phát triển các ứng dụng hỏi-đáp với người dùng bằng nguồn dữ liệu chủ yếu từ các cơ quan báo chí mà họ không trả một đồng nào cho phí bản quyền.
Ngay cả nội dung đã được các cơ quan báo chí đặt ra các quy định về trả phí, chỉ dành riêng cho người bỏ tiền ra để được đọc-nghe-xem thì cũng có thể xuất hiện trong các ứng dụng tìm kiếm bằng AI do một số công ty công nghệ tạo ra. Nói cách khác, bạn vào website của tờ báo thì phải trả phí để được xem, còn nếu dùng ứng dụng chạy bằng AI của công ty công nghệ thì... miễn phí", Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM nhấn mạnh.
Một dẫn chứng cụ thể, khi mới đây vào ngày 27/6, Trung tâm Báo chí Điều tra (CIR) cho biết họ đã kiện nhà sản xuất ChatGPT là OpenAI và Microsoft vì sử dụng trái phép nội dung của họ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Tổ chức phi lợi nhuận này cho biết OpenAI đã sử dụng nội dung của mình mà không được phép và không đưa ra bồi thường, vi phạm bản quyền đối với hoạt động báo chí của tổ chức.
Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang New York, mô tả hoạt động kinh doanh của OpenAI là "được xây dựng dựa trên việc khai thác các tác phẩm có bản quyền", đe dọa các nhà xuất bản tin tức.
Giám đốc điều hành Monika Bauerlein của CIR cho biết: "Điều đó cực kỳ nguy hiểm. Sự tồn tại của chúng tôi phụ thuộc vào việc người dùng nhận thấy tác phẩm của chúng tôi có giá trị và ủng hộ các tác phẩm đó".
Xây dựng các liên minh báo chí để đủ sức thương thuyết với các công ty công nghệ
"Cơ quan báo chí cần tập trung phát triển các sản phẩm báo chí đặc thù, nếu độc quyền thì càng tốt, và phải tìm cách bảo vệ bản quyền của những thông tin ấy. Các đề xuất lên chính phủ trong việc xây dựng các quy định pháp luật nhằm quản lý cách hành xử của các công ty công nghệ về vấn đề bản quyền báo chí là rất cần thiết", nhà báo Nguyễn Đức Hiển đánh giá.
Theo ông Hiển, thế giới không thiếu những ví dụ sinh động về việc này. Đầu năm 2021, Úc đã thông qua luật truyền thông mới yêu cầu các nền tảng công nghệ Facebook và Google phải trả phí cho cơ quan báo chí, truyền thông của Úc để được quyền liên kết, hiển thị nội dung của họ trên trang cung cấp tin tức hoặc trong kết quả tìm kiếm.
Một số công ty công nghệ cũng đã bắt đầu ký kết các thỏa thuận để được tiếp cận nội dung của các cơ quan báo chí. Điển hình, OpenAI, công ty được sở hữu phần lớn bởi Microsoft, đã ký kết các thỏa thuận cấp phép với một số cơ quan báo chí, truyền thông lớn nhất thế giới bao gồm Associated Press (AP), Axel Springer, Le Monde và tập đoàn truyền thông Tây Ban Nha Prisa.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, những cơ quan báo chí nhỏ, mang tính chuyên ngành và địa phương vẫn chưa đủ sức để mặc cả với các công ty truyền thông. Thậm chí, có những tờ báo phải đầu tư nguồn lực làm SEO để có thể đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của bạn đọc trên các nền tảng tìm kiếm như Google; hay có những cơ quan báo chí phải chấp nhận cấp phép miễn phí cho những trang tổng hợp tin tức để có thể được trả view, lan tỏa sản phẩm báo chí mà họ đã dành nhiều công sức và tài lực để thực hiện. "Thực trạng ấy vẫn còn xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam", ông Hiển nói.
Một số chuyên gia truyền thông khuyến nghị báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí địa phương, cần liên kết với nhau, xây dựng các liên minh báo chí để đủ sức thương thuyết với các công ty công nghệ.
Nếu một cơ quan báo chí địa phương đột ngột mất tích trên các trang tìm kiếm hay các ứng dụng tin tức của các công ty công nghệ, điều đó không mấy ý nghĩa. Nhưng nếu tất cả các tờ báo địa phương cùng lúc yêu cầu các ứng dụng tìm kiếm của Google, Chat GPT hay các ứng dụng tương tự ngừng quét và thu thập thông tin của họ, thì mọi chuyện có lẽ sẽ khác.
Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM nhận định: "Câu hỏi lớn nhất là: Liệu các cơ quan báo chí, nhất là báo chí địa phương, có đủ nhận thức và hiểu biết về cách mà những công ty công nghệ sử dụng AI để đánh cắp bản quyền của họ hay không; và họ có đủ quyết tâm và sự liên kết chặt chẽ với nhau để có thể đàm phán?"
Để trả lời câu hỏi ấy, theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức của các cơ quan báo chí về giá trị của họ trong chuỗi vận hành của các ứng dụng chạy bằng AI, phải khẳng định giá trị của tờ báo không thể bị thay thế bởi những công cụ AI; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến bản quyền báo chí trong bối cảnh các công ty công nghệ dùng AI đang phát triển mạnh mẽ.
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.